Hội Cựu chiến binh Việt Nam – TP. Hồ Chí Minh * Hội cựu Chiến binh Quận Tân Bình
NGƯỜI “VÁC TÙ VÀ GIỮ LỬA KHU PHỐ”
Thứ năm - 28/11/2019 21:45
Nhận thấy việc sử dụng Nhà văn hóa Khu phố 9 chưa thật hiệu quả, lại thường chứng kiến cảnh nhiều Cựu chiến binh (CCB) đã lớn tuổi khó khăn bước lên từng bậc cầu thang dựng đứng, để lên được hội trường, CCB Đặng Văn Phượng, Chi hội trưởng Chi hội 23, Phường 2, Quận Tân Bình đã có những cách làm hay tuyên truyền cán bộ hội viên đóng góp nguồn kinh phí để sửa chữa Nhà văn hóa Khu phố 9, giúp cán bộ đảng viên, hội viên và nhân dân có nơi sinh hoạt khang trang, rộng rãi hơn.
Đam mê việc thôn xóm Sau 28 năm ở quân ngũ, Trung tá Đặng Văn Phượng trở về địa phương và tích cực tham gia các phong trào của khu phố. Là một hội viên cựu chiến binh năng nổ, nhiệt tình nên ông được tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội CCB 23. Đến với Khu phố 9, chỉ cần nhắc đến ông CCB tóc đã bạc trắng nhưng “thời gian ở ngoài đường nhiều hơn ở nhà” thì người ta biết ngay là ông Đặng Văn Phượng. Bởi vậy cái tên CCB “vác tù và giữ lửa khu phố ra đời”. Dù đã ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng ông Phượng vẫn giữ được sự nhanh nhẹn, vui vẻ, cái vẻ hồn hậu, mộc mạc của người đồng hương quê Thái Bình càng làm tôi thấy gần gũi. Tiếp xúc, trò chuyện tôi cảm nhận được hơn sự nhiệt tình, cởi mở, những tâm huyết và ước mơ cống hiến của người lính đang từng ngày “giữ lửa” cho khu phố. Nhắc đến câu chuyện suốt 4 tháng ông gần như không về nhà, sẵn sàng bỏ ra số tiền hơn 40 triệu đồng, lại tìm cách vay mượn cho đủ kinh phí để sửa chữa mới hoàn toàn Nhà văn hóa. Ông chia sẻ: “Cuộc sống của gia đình tôi không có gì ngoài đồng lương hưu, con cái đã lớn, tôi còn cho thuê mặt trước của ngôi nhà đang ở nên không phải lo nghĩ nhiều chuyện cơm áo gạo tiền, chỉ lo làm sao cho tốt công việc được giao…”. Được biết Nhà văn hóa Khu phố 9 được ông lên kế hoạch, báo cáo Cấp ủy, Phường hội và vận động được 20 triệu trong những tháng cuối năm 2018. Nhưng trong quá trình sửa chữa, nhận thấy toàn bộ căn nhà gồm 2 lầu, 1 trệt sau gần 20 năm sử dụng đã cũ kỹ, nhiều lỗi trong thiết kế nên ông đã sơn sửa, đập đi những vách ngăn, xây lại cầu thang,… nên số tiền sửa chữa lên đến gần 423 triệu đồng. Không thể vì thế mà bỏ dở công trình của cộng đồng, ông đã về nhà vận động vợ con đồng ý cho ông lấy hơn 40 triệu tiền tiết kiệm, số còn thiếu ông đứng ra vay mượn thêm để công trình Nhà văn hóa hoàn thành đúng dự kiến. Góp vui vào câu chuyện, bà Vũ Thị Bưởi, vợ ông kể: “4 tháng nay ông ít về nhà, số tiền cho thuê nhà ông đều góp vào việc xây dựng Nhà văn hóa, hai vợ chồng chỉ sống bằng đồng lương hưu ít ỏi, khó khăn một chút nhưng lại thấy vui. Ông ấy hay hỏi vợ con biết có đoàn từ thiện nào không để ông đi theo làm từ thiện, thỏa đam mê giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn”. Tôi hỏi đâu là động lực để ông làm cái việc rất ít người làm như thế. Ông bảo vì ông “đam mê”. Ông quan niệm, làm bất cứ công việc gì cũng đòi hỏi phải có sự đam mê, nếu không sẽ rất khó gắn bó lâu dài. Ông đam mê công việc thôn xóm bởi ông tìm thấy niềm vui của tình làng nghĩa xóm, của tình đồng chí, đồng đội và vui nhất là thấy mình được cống hiến một phần nhỏ cho xã hội, được làm những việc có ý nghĩa, có ích cho đời… Phải “kiên trì, kiên quyết và tâm huyết” Không chỉ góp công sức khi xây dựng Nhà văn hóa Khu phố 9, chỉ trong những tháng cuối năm 2018 ông Phượng đã vận động nhân dân đóng góp toàn bộ kinh phí hơn 280 triệu đồng để cải tạo, nâng cấp tuyến hẻm số 10 và số 34 đường Yên Thế. Các hạng mục thi công bao gồm: nâng cấp nền đường, cải tạo hố ga, lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng và camera an ninh… Với lòng tin, sự ủng hộ của nhân dân địa phương, ông Phượng cho biết trong thời gian tới ông sẽ vận động nâng cấp tiếp hẻm 60 đường Yên Thế để giúp địa phương thay đổi bộ mặt, thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Thông qua những việc làm giản đơn của mình ông mong muốn xây dựng Khu phố 9 trở thành khu dân cư kiểu mẫu với những con đường “xanh, sạch, đẹp, an toàn”, người dân chan hòa, hiếu khách,… Những sự thay đổi tích cực của khu phố được Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đánh giá cao, 3 năm gần đây Chi hội CCB 23 và Khu phố 9 đều nhận được giấy khen của UBND quận Tân Bình, Đảng ủy, UBND Phường 2,… Những kết quả đã đạt được của CCB Đặng Văn Phượng đến từ thành công trong công tác tuyên truyền vận động. Ông cho biết: “Không dễ gì thay đổi cách nghĩ của nhân dân, vì vậy để người dân hiểu và làm thì công tác tuyên truyền phải đa dạng, hữu hiệu nhất là tuyên truyền bằng trực quan. Nghĩa là mình phải đi đầu trong các phong trào, các cuộc vận động, gương mẫu chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, luôn gần gũi, sâu sát với dân, có như vậy họ mới tin. Dân nghe, dân hiểu, dân làm thì khi đó tuyên truyền mới thực sự thành công”. Do đó, 100% hội viên Chi hội CCB 23 luôn có lập trường tư tưởng vững vàng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng; tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện tốt các phong trào, cuộc vận động của Trung ương và địa phương,… Từ niềm đam mê với công việc thôn xóm, sự “kiên trì, kiên quyết và tâm huyết” với nghề “vác tù và” đồng chí Trung tá Đặng Văn Phượng được Hội CCB TPHCM tặng bằng khen có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước “CCB gương mẫu” năm 2018 và nhiều giấy khen trong công tác dân vận…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế do...