Ảnh minh họa
Lịch sử vùng đất Tân Bình gắn liền với lịch sử 300 năm hình thành xây dựng và phát triển của Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh. Tân Bình là vùng đất “Địa linh Nhân kiệt”, “Nhân hòa địa lợi”; Nhân dân Tân Bình có truyền thống yêu nước nồng nàn, giác ngộ cách mạng cao, sẵn sàng xả thân, hy sinh vì nghĩa lớn, vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Tân Bình là vùng đất có chi bộ sớm được thành lập vào năm 1930 khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời,;đó là chi bộ xã Tân Sơn Nhì (3-1930) do đồng chí Nguyễn Văn Săng (Tư Săng) cán bộ Xứ ủy làm Bí thư. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quận Tân Bình đã hình thành và phát triển lực lượng vũ trang từ cấp đội, tiểu đội và phát triển lên cấp tiểu đoàn, từng bước trưởng thành trong khói lửa chiến tranh, thực sự là lực lượng nòng cốt trong cuộc chiến tranh nhân dân ở địa phương, góp phần cùng lực lượng của trên đánh thắng 2 đế quốc to là Pháp và Mỹ, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Ở Tân Bình dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng các xã, các Ủy ban khởi nghĩa được thành lập và ở mỗi xã đều thành lập các đội du kích để hỗ trợ cho cuộc khởi nghĩa của Nhân dân. Đến tháng 10-1940, tất cả các xã ở Tân Bình (Tân Sơn Nhì, Bình Hưng Hòa, Phú Nhuận, Vĩnh Lộc, Phú Thọ Hòa) đều có một đội du kích, dưới sự lãnh đạo của chi bộ xã. Trang bị của các đội du kích lúc này còn thô sơ, chủ yếu là dao găm, mã tấu, gậy tầm vông… Như vậy, thực tế lực lượng vũ trang Tân Bình sớm được xây dựng, bắt đầu từ những đội du kích của các xã từ tháng 10-1940. Tháng 8-1945 (Cách mạng Tháng Tám), các đội tự vệ xã cùng lực lượng Thanh niên Tiền phong và Nhân dân Tân Bình đã nổi dậy tiến công các chốt, đồn bót, nhà làng, tề xã và những tên tay sai ác ôn, giải phóng hoàn toàn Tân Bình, lập chính quyền cách mạng. Tại Tân Bình, trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến (23-11-1945), ở khắp các xã đều thành lập các Ban quân sự, đồng thời tổ chức các đội dân quân tự vệ (xã, ấp). Trong thời gian này, đồng chí Võ Thành Trang (Bảy Trắc) - Bí thư chi bộ xã Tân Sơn Nhì cùng với một số đồng chí khác thành lập lực lượng vũ trang Liên xã, có phiên hiệu là Tiểu đoàn 934, do đồng chí Nguyễn Văn Bâu chỉ huy, đồng chí Nguyễn Hồng Đào làm chính trị viên. Đây là một trong những đơn vị đầu tiên của lực lượng vũ trang Tân Bình, là tiền thân của lực lượng vũ trang Tân Bình sau này. Tại Mặt trận số 2 (cầu Tham Lương), lực lượng vũ trang Liên xã và du kích các xã cùng với bộ đội Tô Ký, Huỳnh Tấn Chùa, Huỳnh Văn Một, Huỳnh Văn Trí đánh bật nhiều đợt tấn công của liên quân Anh-Pháp, diệt và bắn bị thương nhiều tên địch, phá hủy 5 xe tăng, thiết giáp, cầm chân quân địch 6 ngày đêm tại khu vực cầu Tham Lương, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Từ năm 1946 đến đầu năm 1954, lực lượng vũ trang quận không ngừng được xây dựng, củng cố và phát triển. Các đội tuyên truyền vũ trang ở các xã được thành lập và hoạt động có hiệu quả. Trong kháng chiến chống Pháp, hàng nghìn thanh niên Tân Bình đã tự nguyện tham gia các đội du kích, gia nhập lực lượng vũ trang của bộ đội Tô Ký, Huỳnh Tấn Chùa, Huỳnh Văn Một… Chi đội 12 Giải phóng quân, Tiểu đoàn Gia Ninh (đơn vị chủ lực của K7) để tham gia đánh giặc giải phóng quê hương, đất nước. Lực lượng vũ trang Tân Bình từ những đội du kích vũ trang với vũ khí thô sơ, từng bước phát triển lên cấp trung đội, đại đội du kích tập trung, là nguồn bổ sung về chất lượng, số lượng cho bộ đội tỉnh, bộ đội chủ lực Khu. Dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền cách mạng, được sự che chở, đùm bọc và nuôi dưỡng của Nhân dân, lực lượng vũ trang Tân Bình đã đánh độc lập và phối hợp chiến đấu với các đơn vị cấp trên đánh hàng trăm trận lớn nhỏ, bằng nhiều hình thức chiến thuật khác nhau (phục kích, tập kích, đánh đồn bót, đánh căn cứ, đặc biệt chiến thuật “xa luân chuyến”) tiêu diệt, tiêu hao nhiều sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch để bảo vệ Nhân dân, bảo vệ cơ sở cách mạng, giải phóng xã, ấp. Những trận đánh ở cầu Tham Lương, đồn ngã năm Vĩnh Lộc, ấp 4 - Láng Sấu, bót Bà Quẹo, đồn Bình Long, kho bom Phú Thọ Hòa… là những chiến công vang dội nhất của lực lượng vũ trang Tân Bình trong 9 năm kháng chiến đánh thực dân Pháp.. Cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược của Đảng và nhân dân ta kết thúc thắng lợi bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ , miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, miền Nam theo Hiệp định Giơ-ne-vơ, sau hai năm sẽ Tổng tuyển cử để thống nhất đất nước. Nhưng trái với mong muốn của Nhân dân ta, đế quốc Mỹ đã hất cẳng Pháp, dựng nên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ. Nhân dân Tân Bình cùng nhân dân Sài Gòn - Gia Định, Nhân dân miền Nam buộc phải cầm súng chiến đấu với đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai để giành lại độc lập tự do, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Tháng 5 năm 1960, tổ chức vũ trang đầu tiên của Tân Bình được thành lập mang tên đơn vị 301. Đơn vị 301 của Tân Bình lúc thành lập chỉ có 3 người, phát triển thành tiểu đội, trung đội… với nhiệm vụ ban đầu là lực lượng nòng cốt cho phong trào phát triển chiến tranh du kích, hỗ trợ đồng bào đấu tranh, tấn công tiêu diệt những phân đội nhỏ, các bót lẻ của địch. Giữa năm 1961, Mỹ chuyển hướng chiến lược từ “tố cộng, diệt cộng” sang chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, nhằm giành thắng lợi quyết định trong thời gian 18 tháng. Từ năm 1963, dưới sự lãnh đạo của Quận ủy, lực lượng vũ trang Tân Bình phát triển và hoạt động mạnh mẽ. Các xã Tân Sơn Nhì, Bình Hưng Hòa, Vĩnh Lộc, Phú Thọ Hòa, Tân Sơn Hòa có từ 1 tiểu đội đến 1 trung đội du kích, trang bị vũ khí tương đối đầy đủ. Lực lượng du kích các xã đã hỗ trợ tích cực cho các cuộc đấu tranh chính trị của quần chúng Nhân dân chống lại Mỹ - Diệm. Lực lượng vũ trang Tân Bình đẩy mạnh diệt ác, phá kềm, tiêu diệt nhiều tên ác ôn có nhiều nợ máu với Nhân dân. Du kích Phú Thọ Hòa đánh bót Phú Thọ Hòa, tập kích bót Cầu Tre; du kích xã Vĩnh Lộc đánh đồn ấp 1… diệt được nhiều tên, thu được vũ khí. Tháng 1-1965, Tiểu đoàn 6 Bình Tân được thành lập, đánh dấu một bước phát triển mới của lực lượng vũ trang Tân Bình. Đầu năm 1965, chiến lược “chiến tranh đặc biệt” bị thất bại, đế quốc Mỹ chuyển sang chiến lược “chiến tranh cục bộ”, lực lượng vũ trang Tân Bình đã kiên cường bám trụ, khắc phục mọi khó khăn, ác liệt, hy sinh, anh dũng chiến đấu. Đặc biệt trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn đã chiến đấu anh dũng, 3 lần thọc sâu vào nội đô, đánh bại hàng chục lần phản kích của địch, đánh bại liên tiếp hai chiến lược “chiến tranh cục bộ” và “Việt Nam hóa chiến tranh”. Quân và dân quận Tân Bình đã diệt hàng trăm tên địch, phá hủy nhiều xe tăng, xe bọc thép và xe cơ giới của địch, góp phần vào chiến thắng chung của cả nước và thành phố, buộc đế quốc Mỹ phải xuống thang, ngồi vào bàn đàm phán để ký hiệp định đình chiến ở Việt Nam. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, lực lượng vũ trang Tân Bình dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Tân Bình đã vận dụng sáng tạo đường lối quân sự của Đảng, với cách đánh mưu trí sáng tạo, đã giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đặc biệt là lực lượng vũ trang của quận đã phối hợp với lực lượng tại chỗ, với phong trào nổi dậy của quần chúng để giành thắng lợi từng phần, tiến đến thắng lợi hoàn toàn; từng bước giải phóng và làm chủ các xã: Vĩnh Lộc (nay thuộc huyện Bình Chánh); Bình Hưng Hòa (nay thuộc quận Bình Tân); Tân Sơn Nhì, Phú Thọ Hòa, Tân Sơn Hòa (nay thuộc quận Tân Phú). Ngày 30/4/1975, lực lượng vũ trang Tân Bình cùng các Lữ đoàn 316, 232, 314 truy quét và tiêu diệt các ổ kháng cự của địch ở ngã tư Bảy Hiền, Hoàng Hoa Thám, Lăng Cha Cả và đến 11h30 phút ngày 30/4/1975, toàn bộ căn cứ, trụ sở ngụy quân, ngụy quyền đều do lực lượng cách mạng chiếm giữ, địa bàn quận Tân Bình cơ bản được giải phóng. Lực lượng vũ trang Tân Bình thật xứng đáng với truyền thống “Trung thành vô hạn, bám trụ kiên cường, đoàn kết kỷ cương, năng động sáng tạo, quyết chiến quyết thắng”. Qua hai thời kỳ kháng chiến chống giặc ngoại xâm, Tân Bình có 1.313 liệt sỹ, 332 liệt sỹ dân công, 1.652 thương binh, 11.000 gia đình chính sách, 210 Bà mẹ được tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, 24 đồng chí được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Với những con số đó đã thể hiện sự đóng góp to lớn của Nhân dân Tân Bình trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đây là niềm tự hào và là truyền thống vẻ vang của Đảng bộ và Nhân dân cũng như của lực lượng vũ trang quận Tân Bình. Về công tác quân sự địa phương, từ nhiều năm nay, Tân Bình luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ gọi thanh niên nhập ngũ, đạt và vượt chỉ tiêu trên giao; chất lượng giao quân năm sau cao hơn năm trước. Hôm nay, các đồng chí nhận Lệnh nhập ngũ để trở thành người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam; các đồng chí rất tự hào được đứng trong hàng ngũ của người chiến sĩ của đội quân bách chiến, bách thắng. Hơn bao giờ hết, các đồng chí tự hào được tiếp nối truyền thống anh hùng của thế hệ cha anh đã hy sinh để giành lấy độc lập, tự do cho Tổ quốc Việt Nam. Lớp thanh niên Tân Bình hôm nay có 250 đồng chí; trong đó, có 9 đảng viên lên đường nhập ngũ, làm nghĩa vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là thế hệ trẻ, là những đoàn viên ưu tú, là những đảng viên gương mẫu, tiếp tục tô thắm thêm truyền thống anh hùng cách mạng của quê hương.Ảnh minh họa
Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân quận Tân bình luôn mong muốn, tin tưởng các đồng chí có nhận thức đúng đắn, đầy đủ trách nhiệm nghĩa vụ của bản thân đối với quê hương đất nước. Dù trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào cũng phải đoàn kết khắc phục khó khăn, vững vàng, toàn tâm, toàn ý phấn đấu rèn luyện vươn lên hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ thiêng liêng đối với Tổ quốc. Các đồng chí gắn bó, tương trợ và đoàn kết giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, trở thành cán bộ trong quân đội, có nhiều đồng chí được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, các đồng chí là nguồn của cán bộ quân sự ở địa phương, là nguồn cung cấp quân dự bị động viên của quận, là hạt nhân trong các chi bộ, Đảng bộ cơ sở, các cơ quan doanh nghiệp để tiếp tục góp phần cùng với cán bộ và Nhân dân xây dựng quê hương Tân Bình ngày càng giàu đẹp; xây dựng quận Tân Bình “Văn minh - Hiện đại - Thân thiện - Nghĩa tình”. Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân và gia đình đang chờ đón những thành tích của các đồng chí. Chỉ còn ít ngày nữa là bước sang năm mới: năm Đinh Dậu 2017, các đồng chí vui đón Tết với gia đình, chia tay bạn bè, người thân để lên đường nhập ngũ làm nghĩa vụ thiêng liêng mà Tổ quốc giao để trở thành người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Song, mong các đồng chí luôn nhớ “Vui xuân mới không quên nhiệm vụ”. Xin chúc các đồng chí mạnh khỏe, vui vẻ lên đường nhập ngũ và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Đặng Văn Khoáng Chủ tịch Hội CCBVN quận Tân BìnhÝ kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Bãi Tư Chính nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ đường cơ sở của Việt Nam. Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Theo Điều 56 của UNCLOS 1982, trong vùng đặc quyền kinh...