Hội Cựu chiến binh Việt Nam – TP. Hồ Chí Minh * Hội cựu Chiến binh Quận Tân Bình
NHẬN THỨC TƯ TƯỞNG - CHÍNH TRỊ
Thứ bảy - 14/09/2019 11:41
RÈN LUYỆN BẢN LĨNH CHÍNH TRỊ CHO CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN ĐỂ GÓP PHẦN PHÒNG, CHỐNG NGUY CƠ “TỰ DIỄN BIẾN” HIỆN NAYThs. Nguyễn Văn Điển
Bản lĩnh chính trị của cán bộ, đảng viên thể hiện ngay ở hành vi, lối sống và quá trình thực hiện công việc được giao. Bản lĩnh đó được đào luyện trong học tập, làm việc và qua việc noi theo tấm gương tiêu biểu nào đó; nó là sự kết tinh các phẩm chất tâm lý tích cực, tốt đẹp để từ đó thể hiện ra ngoài bằng các hành động thể hiện sự kiên định, ý chí trung thành với “lý tưởng thiêng liêng” mà mình đã tin, đã yêu và đã chọn. Bản lĩnh chính trị thể hiện ở sự vững vàng của quan điểm, lập trường; ở sự “nhạy bén chính trị”, sự tôn trọng chuẩn mực “chân, thiện, mỹ” để ứng xử một cách độc lập, sáng tạo trong đời sống chính trị - xã hội.
Hiện nay, bản lĩnh chính trị đang là yêu cầu hàng đầu trong việc nâng cao năng lực hoạt động và đạo đức công vụ của cán bộ, đảng viên trong các cơ quan nhà nước. Bản lĩnh chính trị giúp cán bộ, công chức đảng viên dám nghĩ, dám làm, tận tụy phục vụ Nhà nước, nhân dân; tránh được các âm mưu “diễn biến”, các cám dỗ tư lợi. Trong các nguy cơ đó, vấn đề “tự diễn biến” trong suy nghĩ, hành động của cán bộ đảng viên sẽ rất bất lợi cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước; do đó việc phòng chống nguy cơ “tự diễn biến” bằng giải pháp nâng cao bản lĩnh chính trị là rất quan trọng. Theo GS. Nguyễn Đức Bình thì “tự diễn biến là nói nhận thức tư tưởng từ mặt đúng, mặt tốt, mặt vững vàng, trung kiên chuyển hóa thành mặt xấu; dù chưa phải nhưng nếu không phòng, có thể trở thành chống đối và bị kẻ thù lợi dụng”. Tự diễn biến có thể diễn ra trên các mặt tư tưởng, phẩm chất đạo đức và chính trị rồi dẫn tới hành vi, lối sống tha hóa. Do vậy, quan trọng nhất là phải phòng, chống nó trong tâm tư, lý tưởng và phẩm chất chính trị mỗi cán bộ, đảng viên.
Do đó, muốn thực hiện việc rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị để phòng, chống nguy cơ “tự diễn biến” trong cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức, đảng viên các cấp thì cần:
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Bác Hồ trong đó nhấn mạnh việc “làm theo”. Học Bác tốt nhất là phải gắn “nói” đi đôi với “làm”, “làm” rồi phải kiểm tra, đánh giá đúng đắn để “nêu” (nêu gương điển hình). Mỗi cán bộ, đảng viên cần phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; phải là tấm gương tiến bộ, trong sáng; sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật để cho cấp dưới và mọi người noi gương. Phải xác định vấn đề để đào luyện phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị là một trong những yêu cầu quan trọng hàng đầu, là “cái gốc” trong xây dựng người cán bộ, đảng viên mới hiện nay. Đã là cán bộ thì phải tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, phải nhận thức đầy đủ và sâu sắc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; nếu không sẽ dẫn tới thoái hóa, biến chất và tiêu cực. Đồng thời, cán bộ, đảng viên phải năng động sáng tạo, vận dụng tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vào công việc lãnh đạo, quản lý của mình - đó cũng là việc thể hiện bản lĩnh chính, đồng thời là các giải pháp ngăn ngừa “tự diễn biến” trong cán bộ, đảng viên.
Thứ hai, phải tự giác rèn luyện, hun đúc phẩm chất chính trị qua học tập lý luận, tổng kết thực tiễn và qua việc luân chuyển các chức danh, vị trí của cán bộ, đảng viên. Cán bộ quản lý, lãnh đạo là những đảng viên ưu tú trong hệ thống chính trị, nên dù ở lĩnh vực nào, ngành nào cũng phải học tập lý luận, phải am hiểu đường lối, chủ trương để vận dụng sáng tạo vào lĩnh vực chuyên môn của mình. Ngoài ra, cần nâng cao năng lực hoạt động chính trị của người cán bộ, đảng viên theo công thức khái quát: năng lực = tri thức + kỹ năng + thái độ; theo đó, nếu tri thức đúng, đủ thì sẽ rèn luyện được kỹ năng tốt, cộng thêm với thái độ nghiêm túc, phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính thì cán bộ sẽ làm việc tốt và hiệu quả cao. Đây cũng là việc thể hiện bản lĩnh và trách nhiệm chính trị của cán bộ, đảng viên và góp phần phòng chống nguy cơ “tự diễn biến” trong cán bộ, đảng viên.
Thứ ba, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt, trong công tác tổ chức, cũng như trong xây dựng Đảng và Nhà nước. Yêu cầu chủ đạo là phải kết hợp hài hòa, cân đối giữa tập trung và dân chủ giúp tổ chức luôn nhất trí, đồng thuận và sáng tạo trong các hoạt động chính trị - xã hội. Bởi vì, độc đoán, chuyên quyền, mất đoàn kết, thiếu nhất trí dẫn đến chia rẽ, lục đục là cơ hội cho “tự diễn biến” hình thành, phát huy tác hại khôn lường.
Thứ tư, cần yêu cầu thực hiện mạnh dạn hơn, công khai hơn trong việc tự phê bình và phê bình nhằm nâng cao kỷ cương và niềm tin cho cán bộ và nhân dân vào sự nghiệp đổi mới do Đảng và Nhà nước lãnh đạo. Tự phê bình và phê bình giúp cán bộ, đảng viên ngày càng “hồng” và “chuyên” hơn, có phẩm chất đạo đức cá nhân trong sáng và cầu thị hơn. Từ đó khắc phục được nguy cơ “tự diễn biến” trong quá trình phụng sự đất nước, nhân dân (tận tình hơn, tốt hơn). Điều này càng củng cố niềm tin của nhân dân vào tương lai phát triển của đất nước, hình thành sức mạnh toàn dân tộc để thực hiện thành công việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tóm lại, muốn thực hiện việc nâng cao bản lĩnh chính trị để phòng, chống nguy cơ “tự diễn biến” trong cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên các cấp… chúng ta cần quán triệt sâu sắc quan điểm về công tác cán bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như của Đảng và Nhà nước ta hiện nay để “Xây dựng được đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, lối sống lành mạnh, không quan liêu, tham nhũng, lãng phí… có tư duy đổi mới, sáng tạo, có kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Và có những tiền đề như vậy, Việt Nam mới vững vàng trên con đường phát triển và hội nhập.
Trích đăng từ cuốn “Góp phần ngăn chặn các hiện tượng suy thoái và đấu tranh chống các quan điểm sai trái” của Ban Tuyên giáo Thành ủy năm 2016.
Hội Cựu chiến binh Quận Tân Bình thành lập ngày 09 tháng 3 năm 1990, năm 2003 Được Chủ Tịch Nước tặng Huân chương lao động hạng 3,năm 2008 được tặng Huân chương lao động hạng 2, năm 2013 được tặng Huân chương lao động hạng I.