Khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, tất cả vì sức khoẻ, tính mạng của người dân

Thứ bảy - 25/06/2022 04:57
 Chiều 23/6, tại trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thường trực Chính phủ họp về cung ứng thuốc, vật tư y tế và các giải pháp bảo đảm nguồn nhân lực cho ngành y tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên hợp Thường trực Chính phủ 23/6/2022
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên hợp Thường trực Chính phủ 23/6/2022

Thiếu thuốc, vật tư y tế; nhiều y bác sĩ bỏ bệnh viện công

Tại cuộc họp, báo cáo của Bộ Y tế về tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho thấy, 28/34 Sở Y tế báo cáo hiện có tình trạng thiếu thuốc tại địa phương. 12/21 Bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo có tình trạng thiếu thuốc tại đơn vị. Trong đó, các thuốc thiếu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bao gồm: một số thuốc kháng sinh dự trữ dùng để điều trị bệnh nhân nặng, thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần, một số thuốc tim mạch, điều trị tăng huyết áp, thuốc điều trị sốt xuất huyết, thuốc nhãn khoa, vị thuốc cổ truyền. 

Về tình trạng thiếu trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, hóa chất, có 26/34 Sở Y tế và 15/21 Bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo hiện có tình trạng thiếu vật tư tiêu hao, hóa chất. Mặt hàng vật tư tiêu hao, hóa chất báo cáo thiếu chủ yếu là hóa chất dùng xét nghiệm. Có 14/34 Sở Y tế và 8/21 Bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo có tình trạng thiếu trang thiết bị y tế như các trang thiết bị y tế chuyên sâu: thiết bị phòng mổ, thiết bị chuyên ngành thần kinh, tim mạch, nội soi tai mũi họng, mắt, tiêu hóa, hô hấp, hồi sức tích cực, thiết bị chẩn đoán hình ảnh, thiết bị xét nghiệm chuyên sâu.

Bộ Y tế cho rằng, nguyên nhân chủ quan của tình trạng này là do có tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra, không dám làm, không dám mua sắm của một số địa phương và đơn vị, mặc dù Bộ Y tế và UBND các tỉnh thành đã thực hiện việc phân cấp thẩm quyền mua sắm, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý. Một số địa phương giao cho các đơn vị chủ động tự đấu thầu, thay vì đấu thầu tập trung như trước, tuy nhiên các đơn vị vẫn lúng túng hoặc e ngại trong tổ chức thực hiện, thiếu nhân lực có chuyên môn tổ chức đấu thầu. Một số doanh nghiệp, nhà cung cấp cũng e ngại trong việc cung ứng hàng hóa cho các đơn vị công do liên quan đến giá chưa hợp lý, thủ tục đấu thầu, thủ tục thanh toán phức tạp, khó khăn.

Về tình hình thôi việc, nghỉ việc của cán bộ y tế khu vực công lập, Bộ Y tế cho biết, theo báo cáo của các địa phương, đơn vị (tính đến tháng 12/2021), có 5.284 viên chức y tế xin thôi việc hoặc nghỉ việc. Cụ thể, có 4.864 viên chức y tế thuộc thẩm quyền quản lý của các Sở Y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc. Trong đó, có 1.504 bác sĩ, 1.482 điều dưỡng, 226 kỹ thuật y và 1.652 viên chức y tế khác. Các tỉnh thành có số lượng viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc nhiều như TPHCM 1.069 người, Hà Nội 540 người, Đồng Nai 372 người, Bình Dương 202 người, Long An 162 người, An Giang 151 người, Cần Thơ 144 người, Đà Nẵng 126 người, Bình Thuận 121 người.

Có 420 viên chức y tế công tác tại các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc, trong số đó có 168 bác sĩ, 129 điều dưỡng, 16 kỹ thuật y và 107 viên chức y tế khác. Các đơn vị sự nghiệp y tế có số lượng viên chức xin thôi việc, nghỉ việc nhiều như: Bệnh viện Bạch Mai 65 người, Bệnh viện Đa Khoa Trung ương Quảng Nam 49 người, Bệnh viện Chợ Rẫy 48 người, Bệnh viện Thống nhất 42 người, Bệnh viện Trung ương Huế 41 người.

Về nguyên nhân của tình trạng này, theo Bộ Y tế, nguyên nhân đầu tiên là do thu nhập thấp. Lương và chế độ phụ cấp đối với viên chức y tế trong hệ thống y tế công lập thấp, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở. Theo quy định về chế độ tiền lương và phụ cấp hiện nay, bác sỹ sau khi học 6 năm và sau 18 tháng thực hành để được cấp chứng chỉ hành nghề, nếu tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập thì hưởng lương 3.486.000 đồng/tháng; phụ cấp ưu đãi nghề là 40% thì mức thu nhập 4.881.240 đồng (chưa trừ nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế). Trong khi đó, mức lương so với mức thu nhập tại các cơ sở y tế ngoài công lập cao hơn gấp 3- 4 lần, thậm chí có nơi cao gấp 5 -6 lần.

Bên cạnh nguyên nhân lương thấp còn do áp lực công việc cao, nhất là trong trong bối cảnh có dịch Covid-19. Ảnh hưởng của các vụ việc vi phạm quy định của pháp luật trong đấu thầu thời gian qua, dẫn đến điều kiện môi trường làm việc của viên chức y tế bị ảnh hưởng.

Để giải quyết tình trạng này, Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ nâng mức hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức làm chuyên môn y tế dự phòng và y tế cơ sở từ mức 40%-70% lên mức 100% để thu hút nhân lực y tế công tác trong lĩnh vực y tế dự phòng và y tế cơ sở. Cho phép Bộ Y tế tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế kể cả giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Khuyến khích người dám nghĩ dám làm và xử lý nghiêm người trục lợi

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế là vấn đề nghiêm trọng, đang diễn ra tại nhiều nơi, khiến người dân lo lắng. Chính phủ đã nắm được qua các báo cáo, phản ánh của người dân, các cơ quan báo chí và đã nhiều lần chỉ đạo Bộ Y tế thống kê, đánh giá một cách khoa học, thực tiễn, khách quan, trung thực và có hướng khắc phục kịp thời. Thủ tướng cũng đã giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trực tiếp chỉ đạo xử lý vấn đề này. Thủ tướng đề nghị các bộ ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm để quyết liệt khắc phục tình trạng này, tất cả vì sức khỏe, tính mạng của người dân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì và phát biểu tại phiên họp Thường trực Chính phủ về việc cung ứng thuốc, vật tư y tếThủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì và phát biểu tại phiên họp Thường trực Chính phủ về việc cung ứng thuốc, vật tư y tế

Thủ tướng giao các bộ: KH-ĐT, Tài chính, Tư pháp, KH-CN, các bộ ngành liên quan phối hợp với Bộ Y tế xem xét, bổ sung các văn bản, quy định liên quan theo thẩm quyền và quy định của pháp luật, như quy định về đấu thầu, giá cả… Hướng dẫn cụ thể, chặt chẽ để người thực hiện yên tâm, khuyến khích người dám nghĩ dám làm và xử lý nghiêm người trục lợi; vận dụng hết công cụ quản lý giá để phục vụ mua sắm, đấu thầu và chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực.

Liên quan nguồn nhân lực ngành y tế, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế phối hợp Bộ Nội vụ có phương án bố trí đủ người làm việc, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Nghiên cứu sửa đổi chế độ, ưu đãi cho công chức, viên chức ngành y tế, Bộ Y tế phải đề xuất hướng giải quyết. Có chủ trương hỗ trợ nhân viên y tế tham gia chống dịch Covid-19. Thủ tướng đồng ý chủ động cho phép Bộ Y tế tính đúng tính đủ giá dịch vụ y tế, tăng nguồn thu cho các đơn vị sự nghiệp công lập dựa trên khoa học, thực tiễn.

Thủ tướng nhấn mạnh, lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những kết quả, thành tựu của ngành y tế, Bộ Y tế thời gian qua, đóng góp lớn trong kiểm soát dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Còn với những việc chưa được thì phải xử lý, khắc phục, nhưng không vì thế mà thiếu ý chí, trách nhiệm với tính mạng, sức khỏe người dân. Ngành y tế cần nhanh chóng kiện toàn các chức danh, rà soát các quy định để làm tốt hơn, tránh tâm lý lo ngại, sợ sai, không dám làm. Tình hình càng khó khăn, càng phức tạp thì càng phải bình tĩnh, giữ đúng nguyên tắc, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể, lắng nghe ý kiến của nhau để cùng nhau xử lý.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Hội CCB phường 2, quận Tân Bình

Ngày 26 tháng 12 năm 2019, Tại hội trường UBND phường 2, quận Tân Bình, Hội Cựu chiến binh phường 2 đã phối hợp với UBND, MTTQ các Đoàn thể phường tổ chức tuyên truyền Luật giao thông đường bộ và văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông, có 95 cán bộ hội viên và nhân dân địa phương tham dự.  ...

Thăm dò ý kiến

Bạn quan tâm nội dung nào của Hội?

banner hoc va lam theo Bac
 


 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây