Tham nhũng là hiện tượng xã hội tiêu cực tồn tại ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tham nhũng gây thiệt hại nghiêm trọng đến các nguồn lực công, xâm hại đến hoạt động đúng đắn của bộ máy nhà nước, làm sai lệch công lý, công bằng xã hội, làm suy giảm niềm tin, cản trở các nỗ lực giảm nghèo và phát triển đất nước, xã hội. Công tác PCTN được Đảng, Nhà nước ta xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách, vừa khó khăn, phức tạp, lâu dài.
Ngay từ những ngày đầu mới giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của Nhân dân, và của Chính phủ, là “giặc ở trong lòng”, là “giặc nội xâm”. Bước vào thời kỳ đổi mới, tình trạng tham nhũng, tiêu cực bộc lộ ngày càng rõ nét, diễn biến hết sức phức tạp, “làm giảm lòng tin của quần chúng đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành của các cơ quan nhà nước”.
Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) xác định “tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành…gây bức xúc trong xã hội và là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước”.
Trước tình hình đó, Hội nghị đã quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN (Ban Chỉ đạo) trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng Ban Chỉ đạo; lập lại Ban Nội chính Trung ương và ban nội chính các tỉnh ủy, thành ủy là cơ quan tham mưu cho cấp ủy về công tác nội chính và PCTN; Ban Nội chính Trung ương là Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo, với mong muốn tạo bước chuyển mới, mạnh mẽ hơn nữa trong công tác đấu tranh PCTN.
Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC) 10 năm qua đã có một bước tiến mạnh, đạt được nhiều kết quả toàn diện, tích cực, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Công tác PCTN, lãng phí, tiêu cực đã trở thành phong trào, xu thế” được Nhân dân đồng tình, đánh giá cao, được các tổ chức quốc tế ghi nhận.
Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi và có chiều hướng thuyên giảm, góp phần giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, tạo động lực mới, khí thế mới để toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Đáng chú ý, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở được quan tâm hơn, từng bước khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh" thể hiện qua những “con số biết nói”. Số địa phương không phát hiện, khởi tố vụ án tham nhũng mới hằng năm có xu hướng giảm dần. Riêng năm 2021, đã có 100% các địa phương đã khởi tố các vụ án mới về tham nhũng. Một số địa phương phát hiện, khởi tố vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực lớn như: Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, An Giang, Thái Nguyên…
Một trong những kết quả nổi bật, đó là công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra, kiểm toán của Nhà nước được tăng cường, phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả công tác PCTN, tiêu cực.
Trong 10 năm qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.
Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, đã kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 8 Ủy viên, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.
Qua công tác thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân sai phạm; kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 975.000 tỉ đồng, gần 76.000 ha đất; chuyển cơ quan điều tra gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Đáng chú ý, từ sau khi Thường trực Ban Chỉ đạo ban hành cơ chế chỉ đạo phối hợp phát hiện, xử lý các sai phạm qua kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án (tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo ngày 18/3/2021), các cơ quan chức năng đã chuyển đến cơ quan điều tra xem xét, xử lý hơn 330 vụ việc có dấu hiệu tội phạm trước khi ban hành kết luận kiểm tra, thanh tra (tăng hơn 3 lần so với các năm trước).
Công tác thu hồi tài sản tham nhũng có chuyển biến tích cực; cơ quan thi hành án dân sự các cấp đã thu hồi 61.000 tỷ đồng, đạt 34,7%, trong khi năm 2013, tỷ lệ này chỉ đạt dưới 10%. Riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã thu hồi được gần 50.000 tỷ đồng, đạt 41,3%.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp thứ 18 của Ban Chủ đạo Trung ương về PCTN năm 2020. |
Đặc biệt thời gian gần đây, công cuộc PCTN càng trở nên “nóng” hơn với khởi nguồn từ vi phạm pháp luật của Công ty Việt Á. Chỉ sau 6 tháng điều tra hàng loạt sai phạm liên quan đến công ty này đã có hơn 60 cá nhân đã bị khởi tố. Trong đó có cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, cựu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh cùng hàng loạt giám đốc CDC, cán bộ Sở Y tế các tỉnh, thành phố. Điều này cho thấy, quyết tâm rất lớn của Đảng, của các cơ quan tư pháp trong PCTN với một tinh thần không khoan nhượng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Quan trọng là chọn đúng người
Công tác cán bộ có nhiều đổi mới, dân chủ, công khai, minh bạch. Nhiều vấn đề tồn tại trước đây trong công tác cán bộ đã được chỉ đạo giải quyết. "Chống chạy chức, chạy quyền” đã trở thành tuyên ngôn mạnh mẽ. Kiểm soát tài sản, thu nhập, thanh toán không dùng tiền mặt, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, đã góp phần quan trọng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.
Dưới sự chỉ đạo sâu sát, cụ thể của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo, hoạt động của Ban Chỉ đạo có nhiều đổi mới, nền nếp, bài bản, khoa học, quyết liệt và hiệu quả. Ban Chỉ đạo vừa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện thể chế, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; vừa quyết liệt chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực, với nhiều cơ chế, giải pháp, cách làm bài bản, hiệu quả và không chịu tác động không trong sáng của tổ chức, cá nhân nào; vừa chọn những khâu yếu, việc khó trong công tác này để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục. Và một trong những dấu ấn quan trọng, đó là ngày 16/9/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 32-QĐ/TW bổ sung, mở rộng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo để chỉ đạo cả PCTN và phòng, chống tiêu cực.
Đặc biệt hơn cả, thực hiện kết luận của Hội nghị Trung ương 5 khoá XIII, Ban Bí thư đã ban hành Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực cấp tỉnh; các tỉnh ủy, thành ủy đã và đang khẩn trương quyết định thành lập và triển khai hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong công tác PCTN, tiêu cực ở địa phương, cơ sở. Tính đến ngày 27/6/2022, đã có 34 tỉnh, thành phố quyết định thành lập Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực cấp tỉnh.
Theo đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực, nếu không có quyết tâm, không có sự chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu, sự đồng lòng thống nhất cao, sự nêu gương của cả tập thể Ban Chỉ đạo, thì chắc chắn cuộc chiến chống tham nhũng sẽ không đạt được kết quả như vừa qua.
“Đây là bài học rất quý mà chúng ta rút ra từ công cuộc PCTN, tiêu cực trong thời gian vừa qua. Sự quyết tâm, quyết liệt của Ban Chỉ đạo thể hiện ở sự kiên trì, kiên quyết "không dừng, không nghỉ", "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai" và không chịu bất kỳ sức ép của cá nhân, tổ chức nào không trong sáng trong đấu tranh PCTN, tiêu cực theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo” – đồng chí Phan Đình Trạc nêu rõ.
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực đặc biệt nhấn mạnh “vai trò vô cùng quan trọng của người đứng đầu và các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, đặc biệt là của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo, của nhân dân và báo chí, sự gương mẫu, quyết liệt “nói đi đôi với làm” và “làm đi đôi với nói” của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo và các đồng chí lãnh đạo chủ chốt. Đây là chỗ dựa vững chắc, là bảo đảm về mặt chính trị và tạo động lực to lớn và do đó, đây là nhân tố hàng đầu quyết định sự thành công của công tác PCTN, tiêu cực trong thời gian vừa qua.
Cùng với đó là vai trò to lớn của Nhân dân, không có sức mạnh nào to lớn bằng sức mạnh của Nhân dân, không có gì mà Nhân dân không biết và do đó, không có gì qua mắt được Nhân dân. Cho nên, sự đồng lòng, ủng hộ của Nhân dân là thước đo niềm tin đối với sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PCTN, tiêu cực. Khẳng định điều này, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực nêu rõ: Chúng ta phải biến hàng vạn, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành “những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, làm cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu không có chỗ ẩn nấp như Bác Hồ đã dạy.
Tại buổi tiếp xúc cử tri Hà Nội ngày 23/6 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định quan điểm nhất quán của Trung ương trong công tác PCTN, tiêu cực là phải làm một cách kiên trì, nhân văn, bài bản và thuyết phục. |
Tại buổi tiếp xúc cử tri Hà Nội ngày 23/6 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định quan điểm nhất quán của Trung ương trong công tác PCTN, tiêu cực là phải làm một cách kiên trì, nhân văn, bài bản và thuyết phục. Quy trình xử lý cán bộ vi phạm được thực hiện chặt chẽ từ xử lý về mặt Đảng, đến xử lý hành chính và xử lý hình sự theo quy định pháp luật; từng bước đều được cân nhắc một cách dân chủ, công bằng, công khai theo nguyên tắc của Đảng và các quy định pháp luật. Nhờ cách làm này mà ngay cả người vi phạm cũng nhận ra sai phạm, hứa sẽ khắc phục khuyết điểm. Xử lý nghiêm cán bộ sai phạm là bài học răn đe, cảnh tỉnh, cảnh báo để những người khác không vi phạm. “Chứ không phải thích thú gì khi kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình, thậm chí rất đau xót, nhưng buộc phải làm. Như Bác Hồ từng dạy cắt một vài cành sâu, mọt để cứu cả cây”, Tổng Bí thư nói.
Còn về ý kiến cho rằng “kỷ luật nhiều cán bộ như vậy thì lấy ai để làm việc”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, không lo không có cán bộ làm việc, bởi cán bộ không chỉ vi phạm pháp luật mà còn sai cả về đạo lý thì không thể không xử lý. Quan trọng là phải chọn đúng cán bộ thay thế, phải làm thật chính xác, chín chắn, không được vội vàng.
Ngày 30/6, Trung ương tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác đấu tranh PCTN, tiêu cực để nhìn lại giai đoạn từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực trực thuộc Bộ Chính trị. Sự kiện này giành được sự quan tâm đặc biệt của cử tri và Nhân dân. Bởi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, Hội nghị chính là cơ hội bồi dưỡng cho Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực cấp tỉnh, làm theo cách thống nhất từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm ở đâu cũng “đúng vai, thuộc bài", hướng tới giai đoạn phát triển mới về công tác PCTN, tiêu cực, tiến bộ hơn để cán bộ “không thể tham nhũng” “không dám tham nhũng”, “không cần tham nhũng” và “không muốn tham nhũng”.
Chống tham nhũng là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, phức tạp. Trong lĩnh vực này dù "không có tiếng súng" nhưng cũng đầy nguy hiểm. Nhưng chúng ta tin rằng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, "trên - dưới đồng lòng", “dọc ngang thông suốt”, cùng với việc hoàn thiện khung khổ pháp luật, nạn tham nhũng chắc chắn sẽ được ngăn chặn, đẩy lùi, niềm tin của Nhân dân với Đảng chắc chắn sẽ được củng cố, nâng cao./.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế do...